Cơ quan nào lớn nhất trong cơ thể con người? Rất nhiều người nghĩ rằng câu trả lời là não, phổi hoặc gan. Tuy nhiên, thực tế thì, câu trả lời đúng nhất chính là làn da của chúng ta .Toàn bộ da trên cơ thể gộp lại sẽ nặng hơn bất kỳ cơ quan nào khác. Cùng Bioderma tìm hiểu về cấu tạo và chức năng của da trong bài viết dưới đây nhé!

 

1. Cấu trúc và vai trò của da

Da có 3 lớp cơ bản: Lớp biểu bì, lớp thân bì và lớp hạ bì.

 

Biểu bì: là lớp da ngoài cùng, nó là một hàng rào không thấm nước, có vai trò tạo ra các tế bào da mới, hình thành màu da, bảo vệ cơ thể trước các tác động từ môi trường bên ngoài.

Lớp biểu bì liên tục tạo ra các tế bào da mới, trong khoảng 3 tuần, các tế bào này sẽ nổi lên bề mặt da và thay thế cho các tế bào chết bị bong ra.

Keratinocytes là loại tế bào phổ biến nhất trong biểu bì, hoạt động như một hàng rào chống lại vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm, vi rút, nhiệt độ, tia cực tím và ngăn cản sự mất nước qua da.

Lớp biểu bì không chứa mạch máu. Màu da phụ thuộc vào một sắc tố được tạo ra bởi các tế bào hắc tố tên là melanin - bảo vệ da khỏi tác động trực tiếp từ tia UV.

Năm lớp của lớp biểu bì là:

  • Lớp đáy (stratum basale): là lớp trong cùng của biểu bì, nơi các tế bào keratinocyte được tạo ra.
  • Lớp gai (stratum spinosum): các tế bào keratinocytes tạo ra chất sừng (các sợi protein) và trở nên có hình con suốt.
  • Lớp hạt (stratum granulosum): các tế bào sản sinh ra các hạt nhỏ và các hạt này di chuyển lên trên, biến đổi thành chất sừng và các lipid biểu bì.
  • Lớp sáng (stratum lucidum): các tế bào bị ép nhẹ, trở nên bằng phẳng và không thể phân biệt được.
  • Lớp sừng (stratum corneum): là lớp ngoài cùng của biểu bì. Ở những vùng da khác nhau, lớp sừng sẽ có độ dày - mỏng khác nhau, thường thì lớp sừng ở lòng bàn tay, chân sẽ dày hơn những vùng da khác. Mỗi ngày, lớp tế bào sừng phía ngoài bong ra liên tục tạo nên những vảy nhỏ như phấn, kết hợp với mồ hôi và chất bã tạo thành ghét.

Thân bì: là lớp tiếp theo của da, là một lớp mô sợi và đàn hồi dày (được cấu tạo chủ yếu từ collagen, với một phần nhỏ là elastin) giúp da mềm và chắc khỏe. Lớp thân bì chứa các đầu dây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến bã nhờn, nang lông và mạch máu.

  • Các đầu dây thần kinh: cảm nhận đau, chạm, áp suất và nhiệt độ. Một số vùng da chứa nhiều đầu dây thần kinh hơn những vùng khác (ví dụ như đầu ngón tay, ngón chân chứa nhiều dây thần kinh và cực kỳ nhạy cảm).
  • Các tuyến mồ hôi: tạo ra mồ hôi để thích nghi với nhiệt độ môi trường, mồ hôi bao gồm nước, muối và các hoá chất khác. Khi mồ hôi bốc hơi khỏi da, nó giúp làm mát cơ thể.
  • Các tuyến bã nhờn: tiết ra chất nhờn vào nang lông, giữ cho da ẩm, mềm mại và hoạt động như một hàng rào chống lại các chất lạ xâm nhập vào cơ thể.
  • Nang lông/ Nang tóc: tạo ra các loại lông, tóc khác nhau trên cơ thể, có tác dụng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, bảo vệ khỏi chấn thương.
  • Các mạch máu của lớp thân bì: cung cấp chất dinh dưỡng cho da, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhiệt làm cho các mạch máu mở rộng (giãn ra), cho phép một lượng lớn máu lưu thông gần bề mặt da, giúp hạ nhiệt cơ thể. Lạnh làm cho các mạch máu hẹp lại (co lại), giữ nhiệt cho cơ thể.

Lớp hạ bì (lớp mô - mỡ dưới da): Bên dưới lớp thân bì là một lớp chất béo giúp cách nhiệt cơ thể khỏi nóng và lạnh, cung cấp lớp đệm bảo vệ xương, cơ bắp và đóng vai trò là khu vực dự trữ năng lượng.

2. Chức năng của da

Da có 4 chức năng chính như sau:

  • Bảo vệ: Lớp biểu bì liên tục bổ sung và loại bỏ hàng chục nghìn tế bào chết mỗi ngày để bảo vệ cơ thể khỏi:
  1. Tác động cơ học: Da đóng vai trò là hàng rào vật lý đầu tiên giúp chống lại mọi áp lực hoặc chấn thương.
  2. Mất nước: Do sự liên kết chặt chẽ của các tế bào ở lớp ngoài cùng của da (lớp sừng), da của chúng ta giúp chúng ta giữ lại nước và độ ẩm cần thiết cho cơ thể, đồng thời bảo vệ chúng ta khỏi sự mất nước qua da.
  3. Bức xạ: Các sắc tố melanin trong lớp biểu bì ngăn tia cực tím từ mặt trời làm hỏng các mô bên dưới cơ thể chúng ta dẫn đến bệnh ung thư da.
  4. Nhiễm trùng: Lớp trên cùng của da được bao phủ bởi một lớp màng ẩm mỏng, nhờn giúp ngăn chặn hầu hết các chất hoặc sinh vật lạ (như vi khuẩn, vi rút và nấm) xâm nhập vào da. 
  • Điều chỉnh nhiệt độ: Da điều chỉnh nhiệt độ thông qua các tuyến mồ hôi và mạch máu ở lớp thân bì. Lớp hạ bì còn đóng vai trò như một hàng rào cách nhiệt, giúp cơ thể không bị mất nhiệt và giảm tác động của nhiệt độ lạnh.
  • Cảm giác: Một chức năng quan trọng của lớp thân bì da là phát hiện các cảm giác nóng, lạnh, áp lực, tiếp xúc và đau khác nhau thông qua các đầu dây thần kinh ở lớp thân bì.
  • Chức năng nội tiết: Da là một trong những nguồn cung cấp vitamin D chính của chúng ta, thông qua việc sản xuất Cholecalciferol (D3) ở hai lớp dưới cùng của biểu bì (lớp đáy và lớp gai).

3. Chuyện gì sẽ xảy ra khi da bị tổn thương?

Làn da khỏe mạnh, không có bất kỳ các vấn đề gì thì sẽ đều màu, cấu trúc mềm mại, đủ độ ẩm,  là cơ quan cảm thụ tốt những va chạm, áp lực và nhiệt độ. Khi hàng rào tự nhiên của da bị suy yếu, chức năng bảo vệ và vẻ bên ngoài khỏe mạnh của làn da sẽ bị tổn thương:

  • Da mất đi độ ẩm và độ đàn hồi và có thể nhìn và cảm thấy khô, thô ráp hoặc chảy xệ. 
  • Da ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các ảnh hưởng bên ngoài (mặt trời, sự thay đổi nhiệt độ) và đặc biệt dễ bị nhiễm trùng.
  • Da bị nhiễm trùng có thể trở nên viêm, các tế bào đề kháng sẽ cố gắng để phục hồi hàng rào bảo vệ bị tổn hại và làm lành sự nhiễm trùng đó. 

Da có cơ chế phục hồi và tái tạo khác nhau. Lớp đáy đảm bảo sự tái tạo biểu bì nhanh chóng, thông qua sự phân chia tế bào liên tục:

  • Nếu có bất kì tổn thương nào xảy ra đối với lớp da trên cùng, vết thương có thể lành lại mà không để lại sẹo.
  • Nếu tổn thương đến lớp thân bì (như các vết loét) thì sẹo sẽ được hình thành.

Quá trình lành vết thương thường tuân theo các giai đoạn liên tiếp sau đây:

  • Máu đông sẽ hình thành một lớp màng có bề mặt cứng dính vào vết thương (vỏ cứng hay vảy).
  • Các tế bào chết, tổn thương và các mô liên kết bị phá vỡ và bị phân hủy bởi enzym.
  • Các tế bào bảo vệ cơ thể hoạt động bằng cách tiêu biến các vi khuẩn có hại và các tế bào chết. Dịch  bạch huyết chảy kết dính các vết thương.
  • Các tế bào mới - bao gồm các mao mạch mới, các mô liên kết và sợi collagen - được hình thành trong quá trình tạo thành biểu mô. 

Hiểu về cấu tạo và chức năng của da sẽ giúp bạn lựa chọn được những phương pháp chăm sóc phù hợp nhất cho làn da của mình. Theo dõi những bài viết của NIL-COSMETIC để cập nhật các kiến thức về chăm sóc làn da hiệu quả bạn nhé!